NGƯỜI VIỆT CHÚNG TA ĐANG THIẾU GÌ ?

   Trong thời buổi hiện nay. Chúng ta thiếu nhiều thứ để phục vụ cho đời sống, để phát triển. Mọi thứ còn thiếu, đều có thể giải quyết được. Nếu chúng ta không thiếu một thứ có sẵn trong cộng đồng, không phải bỏ vốn ra mua, không mất nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm và thực hiện.  
    Chúng ta đang thiếu gì là cơ bản nhất?
    Thiếu vốn ư?
    Không hẳn như vậy! Trong cộng đồng chúng ta, có khá nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức vung tiền vào những việc vô bổ. Hơn nữa chúng ta có thể vay vốn từ nước ngoài, huy động từ mọi nguồn vốn khác...v.v...Có điều là chúng ta sử dụng những đồng vốn đó như thế nào mà thôi.
   Thiếu tài nguyên ư?
   Vô lý! Tài nguyên của chúng ta vào loại phong phú hàng đầu khu vực. Chúng ta là một nước xuất khẩu nhiều khoáng sản thô, các sản phẩm nông nghiệp....
   Thiếu nhân tài ư?
   Hoang đường! Chúng ta đang bị chảy máu chất xám. Có rất nhiều người Việt Nam có học hàm, học vị cao trên thế giới. Có điều chúng ta có biết trọng dụng họ hay không mà thôi.
   Thiếu cơ sở hạ tầng và phương tiện ư?
   Không đúng! Chúng ta có rất nhiều nhà xưởng, công trình xây dựng xong rồi bỏ hoang, máy móc, thiết bị "đắp chiếu" tới gỉ sét. Đường giao thông càng mở rộng càng xảy ra nhiều tai nạn giao thông.


Người Nhật xếp hàng ngay ngắn khi vào cửa hàng  
    Tại sao lại như vậy và chúng ta đang thật sự thiếu gì? Với những suy nghĩ chủ quan của người viết bài này, cái mà chúng ta đang thiếu trầm trọng nhất đó là: ý thức!
    Ý thức là gì?
    Ý thức là những hành vi điều khiển mọi hoạt động của con người theo lẽ phải, hay một quy ước nào đó. Ví dụ: khi ta ăn quà xong, tiện tay vứt luôn bao bì ra đường chứ không bỏ vào thùng rác. (Xin đừng nói: vì không có thùng rác nhé!). Đó là thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh và môi trường.
    Hãy lấy một ví dụ lớn hơn để kiểm chứng điều này:
    Chúng ta thử nhìn ra nước bạn Nhật Bản, cách chúng ta không xa. Tại sao họ giàu có và phát triển như vậy? Về tài nguyên thiên nhiên, họ hầu như không có gì. Mọi nguyên nhiên liệu, lương thực họ đều phải nhập khẩu. Sẽ có ý kiến cho rằng: Nhật Bản giàu có nhờ phát động các cuộc xâm lược, cướp bóc tài nguyên. Điều này không thuyết phục, vì họ phải tiến hành xâm lược trước rồi mới có thể cướp bóc được tài nguyên. Những gì cướp được, họ lại dốc hết vào chiến tranh. Hơn nữa, các cuộc xâm lăng của họ không kéo dài và họ đã kiệt quệ vì thất bại nặng nề trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.

                 
Đất nước Nhật Bản giàu có và sạch đẹp nhờ ý thức của người dân
    Tóm lại, Nhật Bản giàu có và phát triển nhờ nguồn tài nguyên chính là ý thức của con người. Người dân Nhật Bản rất có ý thức về mọi mặt, đặc biệt là kỷ luật sống, kỷ luật làm việc, sự phê bình thẳng thắn. Chính điều này đã làm cho họ sử dụng những tài nguyên mà họ nhập khẩu một cách có hiệu quả nhất. Họ rất coi trọng người có năng lực và ý thức cao. Các bến xe, nhà ga, cửa hàng của họ không bao giờ có chuyện chen lấn, xô đẩy. Giao thông của họ rất quy củ và trật tự...v.v...
    Còn chúng ta thì sao?
    Chúng ta cũng là con người như họ. Nhưng, chúng ta tụt hậu với họ rất xa về mọi mặt. Dĩ nhiên, chúng ta không thể so sánh với họ về trình độ và sự phát triển. Nhưng, về mặt ý thức của con người thì hoàn toàn có thể so sánh. Bởi vì ý thức đều có sẵn trong mỗi con người, chỉ cần chúng ta thức tỉnh nó.
Thật xấu hổ khi nhìn đống rác ngay dưới chân tấm biển này.

    Vậy chúng ta phải làm gì để thức tỉnh ý thức và nâng cao nó? Không có cách nào khác là chúng ta phải bắt đầu từ mọi suy nghĩ, mọi hoạt động nhỏ nhất của bản thân. Ngay từ khi còn nhỏ mọi trẻ em cần được người lớn làm gương. Đến tuổi đi học càng cần phải được giáo dục năng cao ý thức, kỷ luật về mọi mặt. Phải có ý thức từ những nét chữ đầu tiên.
    Với chúng ta, những người đã trưởng thành - càng cần phải coi trọng và nâng cao ý thức. Ví dụ: một người nào đó đọc bài của người khác, phát hiện sai chính tả mà cứ lờ đi, không nhắc nhở thì có phải là bạn tốt, là người có ý thức đối với bản thân và bạn hay không?
   Ý thức và kỷ luật sống là tài nguyên vô giá và dễ khai thác nhất mà chúng ta đang lãng phí.
   Chỉ cần: mỗi người chúng ta, không xả rác bừa bãi, là đã bớt đi gánh nặng khổng lồ cho ngành môi trường.
    Chỉ cần: mỗi người chúng ta, có ý thức chấp hành luật lệ giao thông, là bớt đi hàng trăm người chết mỗi ngày và vài trăm trẻ em thoát khỏi cảnh mồ côi, không nơi nương tựa.
    Chỉ cần: mỗi người chúng ta, có ý thức một chút trong những hoạt động tiêu dùng vô bổ, là có thể giúp đỡ được hàng vạn người vô gia cư, người ăn xin...
    Chỉ cần: mỗi người chúng ta, biết kiềm chế trong mỗi hành vi ứng xử, là có thể ngăn chặn các cuộc xô sát dẫn đến án mạng thương tâm.
    Chỉ cần: mỗi người chúng ta, có ý thức hợp tác với cộng đồng, với nhà chức trách trong việc phát hiện và ngăn chặn mầm mống tội phạm, thì chắc chắn tội phạm sẽ bị hạn chế và không có cơ hội để phát sinh.
Kết luận:
    Chúng ta, dù có đủ mọi nguồn vốn, nhân lực, hạ tầng cơ sở cũng không thể phát triển nếu thiếu ý thức và kỷ luật đối với cộng đồng. Có chăng, cũng chỉ là phát triển theo kiểu "đầu voi, đuôi chuột", hay "giật gấu vá vai" mà thôi.
    Ý thức có giá trị và sức mạnh lại sẵn có như vậy, mà bỏ phí thì chúng ta lấy gì để khẳng định rằng: chúng ta là những con người hiện đại?
Hãy bắt đầu với ý thức, kỷ luật cộng đồng ngay từ bây giờ và sẽ không bao giờ là quá muộn!