Nhộn nhịp hoạt động tiếp thị phim truyện Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh

(TGĐA Online) - Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường điện ảnh lớn nhất Việt Nam, là nơi có nhiều cơ sở, đơn vị điện ảnh ngoài quốc doanh hoạt động sôi nổi, hiệu quả nhất cả nước. Theo thống kê năm 2012 của Cục Điện ảnh, thành phố Hồ Chí Minh có 14 cụm rạp thuộc sở hữu của các đơn vị điện ảnh ngoài quốc doanh (chiếm khoảng 66,66% so với cả nước), với 75 phòng chiếu phim. Trong năm năm trở lại đây, hoạt động marketing điện ảnh tại thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển khá sôi nổi, đa dạng và ngày càng tiến dần theo xu hướng chuyên nghiệp của công nghệ điện ảnh Hollywood (Mỹ).
Những con số biết nói
Cảnh trong phim Đừng đốt
Trong 4 - 5 năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đã có những chuyển động mới. Với sự ra đời của các rạp chiếu phim mới đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất hiện nhiều bộ phim (nhập khẩu và sản xuất trong nước) có sức thu hút khán giả và với sự nỗ lực của các công ty trong nước trong việc phát hành và marketing phim nhằm thu hút khán giả tới rạp, điện ảnh Việt Nam đã từng bước phát triển nhanh về doanh thu, với tốc độ trung bình 35 - 40%/năm.
Cảnh trong phim Thiên mệnh anh hùng
Theo số liệu do Tập đoàn giải trí đa phương tiện CGV (Công ty Megastar trước đây) thống kê và công bố thì doanh thu bán vé phim của Việt Nam năm 2006 vào khoảng 5 triệu USD, năm 2010 là 25,7 triệu USD, năm 2012 khoảng 47 triệu USD, cuối năm 2014 ước khoảng 82 triệu USD - liên tục tăng trưởng mạnh trong khoảng 10 năm qua. Nếu không có gì thay đổi, năm 2015 Việt Nam sẽ lọt vào danh sách “thị trường điện ảnh nhiều hơn 100 triệu USD”. Còn theo tạp chí Hollywood Reporter thì tỷ suất tăng trưởng từ doanh thu bán vé phim của Việt Nam năm 2012 lên đến 614%, xếp cao nhất trong số13 thị trường điện ảnh nóng nhất thế giới.
Chủ trương mở cửa thị trường nhập khẩu phim, tạo thông thoáng trong khâu duyệt phim đã chính thức khơi dậy một cuộc cạnh tranh mới, và phần thua thiệt lại có vẻ nghiêng về các đơn vị Nhà nước. Từ năm 2009 đến năm 2013, có 610 phim truyện điện ảnh nước ngoài được cấp giấp phép phổ biến tại các rạp ở Việt Nam (bình quân 122 phim/năm) và hơn 98% trong số này là do các đơn vị điện ảnh ngoài quốc doanh nhập, phát hành.
Theo số liệu từ năm 2009 đến năm 2013 của Cục Điện ảnh, về sản xuất phim, từ năm 2009 đến năm 2013, có tổng cộng 74 phim truyện điện ảnh do các hãng phim trên cả nước sản xuất được cấp giấy phép phổ biến, bình quân 14,8 phim/năm. Số lượng khán giả xem phim tại hệ thống rạp chiếu phim ở thành phố Hồ Chí Minh từ 2009 – 2013 đạt khoảng 38,42 triệu lượt, bình quân khoảng 7,68 triệu lượt khán giả xem phim/năm. Trong hơn 80 cơ sở điện ảnh hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh cho đến năm 2013, chỉ còn 7 - 8 đơn vị nhà nước, chiếm tỉ lệ khoảng 1/10.
Tư duy mới về tiếp thị phim
Suốt một thời gian khá dài, tồn tại trong cách nghĩ của nhiều đơn vị điện ảnh nhà nước: công tác marketing phim tiến hành sau khi bộ phim hoàn thành. Nhưng thực ra, một số công việc quan trọng và cơ bản nhất phải được tiến hành trước và trong khi bộ phim được sản xuất. Phần lớn các đơn vị sản xuất phim điện ảnh nhà nước bị ảnh hưởng bởi thói quen từ thời bao cấp, nên công tác marketing, tuyên truyền quảng cáo phim không được chú ý một cách đúng mức, nhất là những phim do nhà nước tài trợ. Công tác thăm dò khán giả, phân loại đối tượng phim, cập nhật, ứng dụng công nghệ, phương tiện thông tin mới để giới thiệu phim… hầu như không được quan tâm. Kinh phí dành cho công tác marketing phim thấp, thường chiếm chưa quá 2% trên tổng chi phí sản xuất phim.