ĐÔI MẮT VÔ HỒN

Sáng sớm, hôm nào cũng vậy. Một đứa trẻ chừng mười hai tuổi, mập tròn, da trắng bệch. Nó đứng tựa vào một gốc cây ven đường, gần nhà tôi. Đưa cặp mắt lờ đờ, gần như vô hồn nhìn mọi người qua lại. Nó là một đứa con trai được nuôi nấng khá đầy đủ, chỉ tội tâm hồn, trí tuệ rỗng tuếch, trống trải. Có lẽ, đôi mắt nó không cảm nhận được những màu sắc của cuộc sống xung quanh. Nó nhìn mọi vật chằm chằm bằng đôi mắt mờ đục, ươn ướt nửa như dò hỏi, nửa như oán trách. 
      Tôi lạnh người vì trong ánh mắt vô hồn, có điều gì như oán trách cuộc đời. Cũng đôi mắt, cái dáng điệu này, tôi đã nhìn thấy cách đây gần hai mươi năm. Nó nhìn tôi như thôi miên làm tôi nhớ lại cha nó ngày trước.

                                                         ***
      Ngày đó, cha nó cũng giống như nó bây giờ chỉ khác là cao lớn hơn và có trí tuệ hơn một chút . Cha nó kết quả của một mối tình đầu đổ vỡ. Thời đó, một người con gái nếu không may mang thai sẽ bị thành kiến rất nặng. Thậm chí bị đuổi khỏi nhà. Người sinh ra cha nó là một cô gái gặp hoàn cảnh như vậy. Bị đuổi ra khỏi nhà, cô lang thang, phiêu dạt khắp nơi. Đói khát, ốm đau, nghèo khổ tưởng như đeo đẳng cô suốt đời...
      Dòng đời đưa đẩy cô đến với một người đàn ông góa vợ và chưa có con. Người đàn ông này tuy nghèo nhưng rộng lượng và chí thú làm ăn. Họ đến với nhau như nắng hạn gặp mưa...
      Cha nó ra đời trong sự yêu thương, đùm bọc hết mình của cha dượng. Nhưng ác nghiệt thay, cha nó lại là một đứa trẻ không bình thường. Mang triệu chứng của một người đần độn, như bị thiếu i ốt. Cuộc đời của những con người khốn khổ này càng đáng buồn hơn, khi họ không thể có thêm được một đứa con nào khác nữa. Mặc dù về kinh tế họ khá vững chắc nhờ sự cần cù, chịu khó. Cha nó lớn lên khá khỏe mạnh dù trí tuệ kém phát triển...
      Đến năm mười tám tuổi, cha dượng lấy vợ cho cha nó. Mẹ nó là một cô gái quá lứa, nhỡ thì trong vùng vì trí tuệ cũng có vấn đề, tính tình có phần dở hơi. Hơn một năm sau, nó ra đời trước sự kinh ngạc của mọi người hai bên nội ngoại. Nó là một "phiên bản" không khác gì về hình dáng đối với cha nó. Có điều trí tuệ của nó kém hơn cha nó khá nhiều. Khi nó tròn hai tuổi, mẹ nó đã bỏ nó lại và ra đi với một người đàn ông khác. Còn cha nó ngày càng tiều tụy, ngơ ngẩn nặng hơn. Có lẽ cha nó dù có trí tuệ kém cũng biết buồn khi mất vợ. Một ngày kia, cha nó đã vĩnh viễn ra đi sau một cơn co giật. Hiện tại nó sống với ông bà nội, còn ông bà ngoại thì không khi nào ngó tới. Ông bà nội nó vốn khá giả, và còn khỏe mạnh nên cuộc sống của nó không thiếu thứ gì. Nó chỉ thiếu bạn bè mà thôi, không đứa trẻ nào chơi với nó cả. Thấy nó là bọn trẻ xúm lại xua đuổi, trêu chọc. Cuộc đời nửa thực vật của nó cứ trôi qua như vậy đã mười mấy năm nay.

                                                           ***
      Hôm nay, thấy đứa trẻ tội nghiệp đang bị một đám trẻ khác trêu chọc, xua đuổi,... Tôi chỉ biết đến gần khuyên bọn trẻ hãy để cho nó yên. Tôi không thể làm gì hơn được dù tình đồng loại đang dâng trào trong lòng. Giá như, nó là một đứa trẻ bình thường, bị bỏ rơi... thì đã khác. Đằng này nó là một đứa trẻ có cuộc sống nửa thực vật. Cái nó cần là trí tuệ và sự cảm nhận cuộc đời. Điều này, có lẽ không bao giờ nó có, cũng như không ai có thể cho nó được.
 


 
      Từ hôm đó, tôi luôn bị ám ảnh bởi cái hình dáng mập mạp nhưng tiều tụi đáng thương đó. Nhất là cặp mắt nhiều lòng trắng lờ đờ nhìn tôi như dò hỏi, oán trách tôi. Tôi thấy cặp mắt nó nhìn tôi như muốn hỏi tôi rằng: ai là người đã sinh nó, vì sao nó lại có mặt ở trên đời này?
      Ước gì, tôi có thể nói với ông bà nội nó rằng: "để cho nó ra đời cũng là vô nhân đạo, hay đúng hơn là một kẻ có tội". Có lẽ, do ông bà nó không hiểu về luật kết hôn của người kém phát triển về trí tuệ hay vì sự cô đơn của tuổi già mà thôi. Và sẽ không ai nỡ trách ông bà nội nó cả. Vì đứa trẻ, đứa cháu đích tôn của họ đã là một sự trừng phạt quá nặng với họ rồi. /.